Làn sóng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ thay thế hàng loạt việc làm, đặt ra những vấn đề mới với hội đồng quản trị (HĐQT) bên cạnh những vấn đề còn tồn tại như hiệu quả và xung đột lợi ích.

Trong giai đoạn như hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá có tác động rất sâu rộng đến các quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Công nghiệp 4.0 với thông điệp trí tuệ nhân tạo (AI) và robot được dự báo sẽ thay thế hàng loạt việc làm. Theo Viện nghiên cứu toàn cầu thuộc Tập đoàn tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới Kindsley, tính đến năm 2030, khoảng 60% công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy tính.

Chia sẻ quan điểm về hội đồng quản trị (HĐQT) trong làn sóng công nghệ 4.0 với TheLEADER, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, thành viên HĐQT Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) nhấn mạnh: “Với vai trò dẫn dắt sự phát triển của doanh nghiệp trong 1 tương lai dài và phát triển bền vững, rõ ràng các thành viên HĐQT không thể không hiểu biết về 4.0 với công nghiệp robot và trí tuệ nhân tạo”.

Hội đồng quản trị trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0
Bà Hà Thu Thanh là người phụ nữ duy nhất trong số 152 lãnh đạo quốc gia của tập đoàn Deloitte trên toàn cầu. Ảnh: Kiều Mai

Theo bà Thanh, những thay đổi công nghệ mới “sẽ tương tác trong các thương vụ thương mại nếu tham gia toàn cầu hoặc trong việc tuyển chọn thế hệ nhân viên mới. HĐQT không tập trung vào cuộc cách mạng này sẽ bị lạc hậu, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thủ công – những lao động có khả năng bị thay thế hàng loạt bởi robot và AI.

Ví dụ ngành may mặc trước đây 1 phút làm được 1 cái áo thì bây giờ, 1 phút robot làm đc 100 cái với đường may mũi chỉ giống hệt nhau. Như vậy, ngành may mặc, da giày và những ngành mà có lợi thế nhân công rẻ đang phải đứng trước nguy cơ thay thế hàng loạt. Vấn đề xã hội đối với những người làm việc sẽ bị thay đổi và vấn đề năng suất lao động sẽ được nâng cao”.

Trao đổi với TheLEADER bên lề hội thảo “Xây dựng và triển khai hoạt động Hội đồng quản trị hiệu quả: Vai trò của Chủ tịch và kế hoạch kế nhiệm”, bà Thanh cho rằng, những người lãnh đạo từ cao xuống thấp cần phải hiểu được thực trạng trên và phải dẫn dắt sự thay đổi.

“HĐQT cần bàn về câu chuyện doanh nghiệp sẽ đi về đâu, cần làm gì để ứng phó với thay đổi của 4.0. Tất cả cuộc họp đều phải đưa chủ đề này vào để bàn thảo thực sự, để hiểu về nó, hiểu về tác động lên doanh nghiệp của mình và bắt đầu xây dựng kế hoạch cho 5 – 7 năm tới”, bà Thanh nhấn mạnh.

Xây dựng HĐQT ra sao?

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần có HĐQT mà tại đó HĐQT là cấp quản trị cao nhất với vai trò thực hiện dẫn dắt doanh nghiệp phát triển và phát triển bền vững. Chủ tịch HĐQT là người chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của HĐQT theo định hướng.

“Khi ta phân biệt như vậy và trong thực tế, luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế quy định như vậy thì việc tổ chức HĐQT sẽ không tùy thuộc vào quy mô, cũng không tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động mà tùy thuộc vào chiến lược doanh nghiệp đang xây dựng”, bà Thanh cho biết.

Do đó, số lượng thành viên HĐQT, cơ cấu thành viên cũng như tiêu chí lựa chọn HĐQT sẽ tùy thuộc vào mục tiêu phát triển của doanh nghiệp đó.

Theo quy định của luật, 1/3 số lượng là thành viên HĐQT độc lập, đảm bảo các thành viên này không có mâu thuẫn về lợi ích, bao gồm lợi ích tài chính, lợi ích về các mối quan hệ cũng như các giá trị trong quá khứ.

“Một người trong quá khứ đã làm tổng giám đốc, sau khi nghỉ hưu được mời làm thành viên HĐQT độc lập thì thực ra họ không độc lập mà mâu thuẫn với những giá trị trong quá khứ họ đã tạo ra”, bà Thanh làm rõ.

Làm thế nào để không gây ra xung đột với ban giám đốc?

Nữ chủ tịch Deloitte Việt Nam khẳng định: “Vai trò của HĐQT là dẫn dắt doanh nghiệp phát triển. Tất cả vấn đề HĐQT thảo luận không phải là vấn đề trong quá khứ mà phải là của tương lai, tạo dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp”.

Nếu HĐQT được đặt ở mức chiến lược thì ban tổng giám đốc là đối tượng thực thi chiến lược, tạo ra sự phân vai rõ ràng. HĐQT thực sự có tác động và ảnh hưởng khi họ thảo luận các vấn đề liên quan đến chiến lược, hiệu quả thực thi chiến lược thay vì các vấn đề về điều hành.

Điều này phân ra 2 cấp rất rõ, không gây ra các xung đột về quyền lực và lợi ích giữa tổng giám đốc với HĐQT, giúp tạo ra môi trường lớn hơn để tổng giám đốc trình bày ý tưởng khi triển khai và hoàn thiện chiến lược.

“Các thành viên HĐQT, quy trình họp HĐQT phải tập trung vào chiến lược, không đi thảo luận các báo cáo của quá khứ mà giải quyết các vấn đề hiện tại trên kết quả mong muốn. Cần có cách nhìn rộng hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững chứ không chỉ nhìn những khó khăn hiện tại mà thay đổi chiến lược”.

Tuy nhiên, “chiến lược có thể được điều chỉnh để phù hợp với các điều kiện kinh doanh thực tế, nhưng không được phê phán kết quả điều hành”, bà Thanh chia sẻ.

Một HĐQT trung thành được đánh giá là sự trung thành với giá trị doanh nghiệp đang đặt ra, không phải là sự trung thành với người chủ tịch, cũng không phải sự trung thành với lợi ích của các cổ đông thành viên đang đại diện. “Nếu gắn với lợi ích đó sẽ phá vỡ cấu trúc toàn bộ bởi có những cổ đông nhìn lợi ích trc mắt, có người lợi ích lâu dài rồi có người lại mong muốn theo hướng khác”.

Một HĐQT sẽ không hiệu quả khi họ không thực sự hướng tới tương lai và đâu đó sẽ tạo ra xung đột khi có quá nhiều các vấn đề can thiệp cũng như đánh giá các kết quả đã qua thay vì đánh giá những cái sắp tới, Chủ tịch Deloitte nhấn mạnh.

Hội thảo “Xây dựng và triển khai hoạt động Hội đồng quản trị hiệu quả: Vai trò của Chủ tịch và kế hoạch kế nhiệm” do Công ty CP Doanh nghiệp xã hội Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) và Công ty CP Kết nối Nhân tài (Talentnet) đồng tổ chức ngày 26/9 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chủ tịch và đại diện HĐQT đến từ những công ty niêm yết trên hai sàn chứng khoán TP. HCM và Hà Nôi, các cơ quan quản lý, tổ chức tài chính và quỹ đầu tư tại Việt Nam.

Hội thảo là cơ hội học hỏi và trao đổi với các diễn giả đến từ Công ty tư vấn kiến trúc Hội đồng quản trị ABA cũng như những người có sức ảnh hưởng lớn và tạo cảm hứng mạnh mẽ như nữ tướng Deloitte Hà Thu Thanh, thành viên HĐQT của VIOD.

Nguồn: https://theleader.vn/goc-nhin-cua-nu-tuong-deloitte-ve-hoi-dong-quan-tri-trong-boi-canh-cong-nghiep-40-1537993070811.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây